Sunday, January 23, 2011

Nhạc sỹ Bảy Bá


Nhạc sỹ Bảy Bá

 Nghệ sĩ Bảy Bá, tên thật là Huỳnh Trí Bá, tức soạn giả Viễn Châu. Ông sinh năm 1924 trong một gia đình nho học tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Ngay từ nhỏ ông đã mê đàn ca, tài tử (cả tân lẫn cổ) và thường có mặt trong các buổi đàn ca tài tử. 
Vì lòng yêu thích và sự ham hiểu biết nên ông tự học đàn ca tài tử qua các chương trình ca cổ đã được phát hành qua các đĩa nhựa và qua Đài phát thanh, tìm đến các nghệ sĩ, nghệ nhân như: Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng để học hỏi. 

Năm 19 tuổi, ông đàn thành thạo nhiều loại nhạc cụ như: Đàn tranh, violon, guitar. Sau đó ông chơi trong nhóm nhạc cùng nhiều nghệ sĩ tài danh lúc bầy giờ như: Jean Tịnh (violon), Bảy Hàm (đàn cò), Hai Biểu (tranh), Chín Hòa (kìm)... là một ban cổ nhạc có tiếng ở Đài phát thanh. Nhóm nhạc của ông thường đàn cho các danh ca: Cô Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé...

Năm 1946, gia đình ông tham gia kháng chiến. Năm 1946, anh trai ông bị địch bắt, ông phải trốn lên Sài Gòn, chơi đàn cho Đoàn Năm Châu (lúc này là đoàn Con Tằm), nhưng không lâu sau đó ông bị địch bắt, bị tra tấn dã man rồi đày ông đi Cẩm Giang.

Năm 1949, ông trốn về Sài Gòn tiếp tục làm việc tại Đoàn Con Tằm với tên Trương Văn Bảy.

Không chỉ giỏi tay đàn, nghệ sĩ Bảy Bá còn viết kịch bản. Năm 1959, ông có sáng kiến viết bài vọng cổ hài, tạo sự mới mẻ và gây tiếng vang lớn về bản vọng cổ hài hước. Đến nay nhiều người còn nhớ những bài: "Tôi đi làm rể", "Ba chàng rể quý", "Tư Ếch đi Sài Gòn", "Vợ tôi tôi sợ", "Văn Hường nể vợ", "Tâm sự Văn Hường", "Vợ tôi nói tiếng Tây"...

Năm 1964, ông lồng ghép giữa tân nhạc và nhạc cổ (tân cổ giao duyên). Bản đầu tiên "Chàng là ai?" (Tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết) được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Ngay lập tức ông được các hãng đĩa mời cộng tác và phát hành đĩa.

Miệt mài trong lao động nghệ thuật, hơn nửa thế kỷ cầm đàn, cầm bút, sự nghiệp sáng tác của ông đã có hơn 70 vở tuồng và hơn 2.000 bản vọng cổ! Cho tới nay, dù đã bước qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. Nhiều vở tuồng của ông cho tới nay vẫn được người xem nhắc đến như: "Nát cánh hoa rừng" (vở đầu tay), "Đường ra biên ải", "Đời cô Nga", "Người mẹ mù", "Viên ngọc rắn thần", "Hoa Mộc Lan", "Con gái Hoa Mộc Lan", "Tình mẫu tử" …

Năm 1988, soạn giả Viễn Châu được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
 


No comments:

Post a Comment