Sunday, January 23, 2011

Dạ cổ hoài lang còn ngân vang trên thành phố Thép


Nguyễn Văn Trung : Dạ cổ hoài lang còn ngân vang trên thành phố Thép

Một buổi luyện tập của câu lạc bộ Cải lương Thái Nguyên.
Cải lương là môn nghệ thuật sân khấu độc đáo của Việt Nam xuất xứ từ Nam bộ những năm đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên âm hưởng đặc sắc của sáu câu vọng cổ nhanh chóng hấp dẫn, làm  đắm  say lòng người cả nước. Đã một thời nhiều nơi ở  miền Bắc như Hải phòng, Thái Nguyên, Hà Tây .v.v. mỗi địa phương có ít nhất  một đoàn Cải lương, Hà Nội  có cả Nhà hát Cải lương Việt Nam. Các giọng ca Kim Xuân, Mộng Dần, Tiêu Lang, Mạnh Tưởng, Trang Nhung,Vương Hà, Thanh thanh Hiền, Triệu Trung Kiên … từng “Vang bóng ”  trên sân khấu cải lương Bắc. Vậy mà lâu nay ngay ở miền Nam, các đoàn Cải lương chuyên nghiệp cũng  không còn đất diễn vì thiếu vắng khán giả ? Chỉ thấy các “Câu lạc bộ đàn ca tài tử” vẫn tích cực hoạt động để tự duy trì những làn điệu dân ca tinh túy, truyền cảm đã thành cổ nhạc này khỏi bị thất truyền. Và Thái Nguyên cũng đã có “Câu lạc bộ Cải lương”.
Ít ai biết đoàn nghệ thuật Cải lương Bắc (nói, hát giọng miền Bắc) đầu tiên có từ bao giờ, thành lập ở đâu? Nhưng từ năm 1950 ở Lưu Xá Thái Nguyên đã thấy xuất hiện một gánh hát Cải lương do ông bầu Lương văn Dong dẫn dắt từ Hải Dương lên; tháng 10 năm 1952 tại Phố Giá Phổ Yên, gánh hát này được phép của ty Thông tin - Tuyên    truyền tỉnh  Thái  Nguyên chuyển đổi thành đoàn Cải lương Quyết Tiến; ban lãnh đạo đoàn gồm các nghệ sỹ Quang Tốn, Tư Châu, Ngô Mạn. Rồi đoàn Quyết Tiến  lên thị xã Thái Nguyên dựng rạp và  phục vụ nhân dân trong tỉnh qua các thời kỳ:  Kháng chiến  chống Pháp, hòa bình lập lại ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ . . . với rất nhiều vở  diễn hay được  nhân dân yêu thích. Các bậc thầy nổi tiếng  của  ngành  sân khấu  truyền  thống  Việt  Nam như nghệ  sỹ Nhân dân  Bạch  Trà;  nghệ sỹ ưu tú Quang Tốn, Thọ  An, Ngô Mạn, Hồ Bẩy .v.v. cũng  trưởng  thành từ đoàn Cải lương ở  “Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” lịch sử. Đoàn từng thành lập đội xung kích vào chiến trường miền Nam  phục vụ các chiến sỹ ngay tại mặt trận, những thành tích xuất sắc của đoàn đã được  tỉnh và Trung ương khen thưởng; đoàn giải thể từ năm 1979, khi đó với  tên gọi đoàn Cải lương Bắc Thái. Trên nền của rạp Quyết Tiến xưa, nay vừa xây dựng Trung tâm Hội nghị và Văn hóa tỉnh Thái Nguyên; một công trình kiến trúc to đẹp, hoành tráng của thành phố Thép…
Sau khi đoàn cải lương Bắc Thái giải thể, một số cán bộ công nhân viên, diễn viên, nhạc công  của đoàn  được chuyển sang công tác ở các đơn vị nghệ thuật, các cơ quan khác; một số về  nghỉ chế độ. Tuy đời sống còn khó khăn vất vả, nhưng tình yêu nghệ thuật Cải lương, nỗi nhớ về nghề xưa nghiệp cũ vẫn khôn nguôi trong lòng; luôn thôi thúc họ phải làm một việc gì đó để cố gắng duy trì được bộ môn dân ca nhạc cổ đặc sắc vốn có từ hơn nửa thế kỷ qua trên đất Thái Nguyên giàu truyền thống Cách mạng và yêu văn hóa, nghệ thuật này. Ông Trần yên Bình, nguyên là diễn viên chính của đoàn Cải lương Bắc Thái, nay là trưởng phòng Văn hóa  văn nghệ nhà Văn hóa tỉnh Thái Nguyên; cùng vợ là Nguyễn thị Thanh cũng từng là một “đào thương” của đoàn Cải lương Bắc Thái, đã đề xuất và đóng góp nhiều công sức để câu lạc bộ Cải lương Thái Nguyên  ra đời vào tháng 10 năm 2005, được trung tâm Văn Hóa tỉnh Thái Nguyên cấp chứng chỉ. Hiện nay câu lạc bộ có hơn hai chục hội viên với đầy đủ các thành phần cơ bản : Đạo diễn, nhà giáo nghệ thuật Hà Thành; các diễn viên của đoàn Cải lương Bắc Thái trước đây : Cụ Phan thị Tý (cụ bà Tư Châu đã 91 tuổi), ông Lê Đình Cử (diễn viên chuyên đóng Tây đã 76 tuổi), Nguyễn thị Thìn, Trần yên Bình, Lệ Thanh, Nguyễn đức Chính .v.v. Điều đáng mừng là có cả những người mới ngoài 20 tuổi như Nguyễn văn Hải, sinh viên trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, chị Lâm, cô Tuyết . . . Dàn nhạc gồm:  Trần văn Trầm đàn Thập lục, Đinh công Viên bộ gõ, Phạm văn Khải đàn Kìm, Nguyễn quang Hồng ghi ta Ha Oai, Văn Tươm đàn Nhị; võ sư - họa sỹ Hắc Long, người hoá  trang cho nghệ  sỹ Xuân Giao đoàn chèo Thái Nguyên đóng vai Bác  Hồ ở ATK (rất giống Bác); ảo thuật gia - họa sỹ Trần quang Minh  .v.v. Họ luyện tập những tiểu phẩm, bài ca, bản nhạc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi đất nước đổi mới, quê hương Thái Nguyên giàu đẹp; ca ngợi tình yêu, cuộc sống. Xem câu lạc bộ luyện tập và biểu diễn thấy những giọng ca, bản nhạc họ trình bày vẫn mượt mà, đằm  thắm  không thua kém gì các đoàn nghệ thuật chính quy. Một số tiết mục của câu lạc bộ đã được ghi âm phát trên sóng đài tiếng nói Việt Nam chuyên mục “khắp  nơi đàn và hát dân ca” như : Thái Nguyên thành phố Anh hùng, Bài ca thành phố Thép, Hương vị  đất trời chè Thái quê tôi (Cải lương), Miền quê vẫy gọi, Chiến khu - đất mẹ (Vọng cổ) .v.v.  Thế là sau nhiều năm vắng bóng, hình ảnh thu nhỏ  của  đoàn Cải lương Quyết Tiến - Đoàn nghệ thuật sân khấu đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, một trong số những đoàn Cải lương Bắc ra đời sớm nhất - đã được  nhóm cựu nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công của đoàn còn “đắm đuối” với nghề xưa nghiệp cũ tái hiện và chút bản sắc văn hóa của đất Thái Nguyên lại được duy trì . . .
Đành rằng mỗi thời kỳ lịch sử đều có nét văn hóa riêng, giờ đây hầu hết thế hệ trẻ không quan tâm đến sân khấu truyền thống. Nhưng Tuồng, Chèo, Cải lương là vốn  quý  trong kho tàng  văn hóa  nghệ  thuật cổ  truyền  Việt  Nam đậm đà  bản  sắc  dân tộc; Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương trân trọng giữ gìn để những người dân còn yêu thích được thưởng thức và  giới thiệu với bạn bè năm châu bốn biển. Du khách nước ngoài tìm đến Việt Nam cốt để nhìn, nghe, khám phá những tác phẩm nghệ thuật thuần Việt; vì thế những  hình thức hoạt  động như  “đàn ca tài tử, các “câu lạc  bộ Cải lương” là sân chơi bổ ích; giúp cho đời sống Văn hóa người dân thêm phong phú, sinh động; rất đáng được các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp, đông đảo nhân dân và đồng nghiệp trên cả nước quan tâm động viên, khích  lệ.
Thật đáng mừng khi thấy thông báo số 363-BT/TW của Ban chấp hành Trung ương đã kết luận lấy ngày 12/8 Âm lịch hàng năm là ngày sân khấu Việt Nam; Nhà nước ta đang bổ xung và hoàn thiện đề án lập hồ sơ Đàn ca tài tử trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại; gần đây ở thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại của Cải lương, các nghệ sỹ tên tuổi : Thanh Tòng, Lệ Thủy, Diệp Lang, Ngọc giàu, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Kim Tử Long, Thanh Ngân, Quế Trân .v.v. thường tái xuất hiện trên sân khấu ! Đặc biệt các chương trình “Vầng trăng cổ nhạc”, “Chuông vàng vọng cổ”, cuộc thi “Giọt nắng phù Sa” đã đem lại cho khán giả yêu mến Cải lương sự thích thú và hiểu biết thêm nhiều về bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc này; sân khấu truyền hình có những vở cải lương thu hút đông đảo người xem; nhà hát Cải lương Việt Nam có vở diễn “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.v.v. Giá như câu lạc bộ Cải lương Thái Nguyên có được mối liên hệ với các nghệ sỹ cải lương trên mọi miền đất nước và được những Mạnh Thường Quân giúp đỡ, thì biết đâu sẽ có ngày những tiết mục cải lương gây xao xuyến lòng người hâm mộ lại tưng bừng trên sân khấu Thái Nguyên; và sức sống của bài Dạ cổ hoài lang; những điệu Lưu thủy hành vân, Nam xuân, Nam ai...sẽ được bảo tồn nơi đất chè Tân Cương, quê hương của ngành luyện gang cán thép !
Ngày 12 tháng  9 năm 2010
Nguyễn văn Trung

No comments:

Post a Comment